TP.HCM là nơi giao thoa ẩm thực vùng miền trong cả nước,ữngđiềuthúvịởTPHCMMónngonvùngmiềnnàocũngcótạo mục lục trong word bất kỳ món ngon vùng miền trên thế giới cũng có thể tìm thấy ở vùng đất này.
Phải lòng ẩm thực Sài Gòn
Mỗi lần có chuyến công tác vào TP.HCM, chị Thanh Hương (24 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) lại dành riêng 1 ngày để thưởng thức cà phê, ăn uống. Với chị, đó là khoảng thời gian "relax" tuyệt đối, được sống trong nhịp sống của người dân ở TP năng động.
Quán cà phê chị Hương lựa chọn nằm ngay trên đường Hai Bà Trưng, nhìn qua bên đường là Nhà thờ Tân Định với dòng xe cộ tấp nập. "Điều tôi thích nhất ở đây là món gì cũng có, tôi có thể ăn cơm tấm Sài Gòn, mì Quảng, bún bò Huế, bánh xèo miền Tây hay cả các món ăn người Hoa ở khu Chợ Lớn… tất cả các món đều có thể chọn ăn ở hàng quán sang trọng hay đường phố. Hương vị món ăn được biến tấu đôi chút nhưng rất hợp vị, ngon, rẻ", chị nhận xét.
Trong khi đó, cô gái Young-ju (28 tuổi, người Hàn Quốc) cũng vì phải lòng ẩm thực Sài Gòn vì "món nào cũng ngon và rẻ" nên chuyển đến TP.HCM làm việc. Cô gái đến từ xứ sở kim chi đặc biệt thích ăn bún chả, cơm gà, bánh tráng nướng, bắp xào…
Mê mẩn ẩm thực Việt, Young-ju đã thuyết phục gia đình từ Hàn Quốc sang du lịch TP.HCM để có cơ hội trải nghiệm. Cô tiết lộ: "Khi gia đình tôi đến đây, tôi đã đưa cả nhà đi ăn bánh ít, bánh xèo, bún chả, phở và ngồi uống cà phê. Người thân của tôi khen nức nở vì không ngờ ẩm thực ở đây tuyệt vời đến vậy".
Mỗi lần về TP.HCM, chị Minh Diễm (người Việt sống tại Nhật) lại ghé quán ăn nằm trên tầng cao của một chung cư cũ trên đường Pasteur (Q.1) được thiết kế theo phong cách ấm áp, bình dị.
"Thực đơn ở quán là những món ăn quen thuộc với người Việt như: bánh khọt, nem nướng, mẹt thịt luộc… thơm ngon. Trong không gian đậm chất quê, nhìn qua tòa nhà cao tầng của TP tôi thấy vừa giao thoa giữa hiện đại và cổ xưa nhưng thật gần gũi", chị bộc bạch.
Xây dựng điểm đến hấp dẫn về ẩm thực
Giữa năm 2023, TP.HCM có 55 nhà hàng, quán ăn xuất hiện trong danh sách cẩm nang Michelin. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch, giúp tăng cường nhận thức của khách quốc tế về ẩm thực Việt. Từ danh sách này, nhiều món ăn ngon đặc trưng được quảng bá rộng rãi trên khắp thế giới, các quán tấp nập phục vụ cả khách trong và ngoài nước.
Ông Peter Cường Franklin, chủ quán Ăn Ăn được nhận 1 sao Michelin (Q.1) cho rằng, với thực đơn phong phú, nguyên liệu sạch và tươi, các nhà hàng ở TP.HCM có thể phát triển ẩm thực truyền thống, kết hợp thêm yếu tố mới để ẩm thực ngày càng phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, không chỉ dừng lại ở 55 nhà hàng, quán ăn được vào danh sách của Michelin, TP.HCM đang trong giai đoạn hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá nhà hàng, quán ăn từ 1 - 5 sao như khách sạn.
"Với bộ tiêu chí bám sát chuẩn quốc tế, chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần khuyến khích khách quốc tế khám phá những món ăn đặc trưng. Qua đó, thúc đẩy du lịch ẩm thực với mục tiêu đưa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực", bà Ánh Hoa chia sẻ.